LÝ THÁI TỔ VÀ NHỮNG ĐIỀM BÁO MỆNH ĐẾ

Lý Thái Tổ

Lý Công Uẩn


Quanh mệnh đế vương của vị vua đầu triều Lý, sử sách, nhân gian đều cho thấy trước khi lên ngôi vua, đã có rất nhiều điềm báo, nhiều dự đoán về hậu vận sáng rõ cho ngôi đế vương của ông.
Vốn Lý Công Uẩn sinh năm Giáp Tuất (974). Trước đó, ở viện Cảm Tuyển chùa Ứng Thiên Tâm, châu Cổ Pháp có con chó đẻ con sắc trắng có đốm lông đen thành hình hai chữ “Thiên tử”. Kẻ thức giả khi nhìn thấy thì gieo quẻ mà bói, rồi nói đó là điềm năm Tuất sinh người làm thiên tử. Quả nhiên sau này Lý Công Uẩn sinh năm Giáp Tuất lên làm thiên tử, ứng với lời tiên liệu trước kia.

Lý Khánh Văn (sau này là nghĩa phụ của Lý Công Uẩn) được ông cha để lại cho một vật quý gia truyền, đó là con chó bằng đồng, một linh vật, và dặn rằng khi nào chó đồng sủa ắt là có thánh nhân đến nhà. Năm Lý Công Uẩn 3 tuổi, khi mẹ ông mang ông đến gặp Lý Khánh Văn, quả sự ứng nghiệm, nên đã ẵm chú bé Lý Công Uẩn vào nhà, nhận làm con nuôi.
Đến năm lên 7, Khánh Văn gửi Công Uẩn cho anh mình là sư Vạn Hạnh ở chùa Lục Tổ dạy dỗ. Lần đầu tiên thấy chú tiểu nhỏ đầu không chỏm tóc, sư Vạn Hạnh vốn là nhà tiên tri đã phán rằng: “Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ”.
Sau này làng vua có cây gạo bị sét đánh, để dấu vết thành bài văn, trong đó có những câu:
Thụ căn diểu diểu
Mộc biểu thanh thanh
Hòa đao mộc lạc
Thập bát tử thành
Đông a nhập địa
Dị mộc tái sinh
Chấn cung kiến nhật
Đoài cung ẩn tinh
Lục thất niên gian
Thiên hạ thái bình
Dịch
Gốc cây thăm thẳm
Ngọn cây xanh xanh
Cây hòa đao rụng
Mười tám hạt thành
Cành đông xuống đất
Cây khác lại sinh
Đông mặt trời mọc
Tây sao náu hình
Khoảng sáu bảy năm
Thiên hạ thái bình ”

Mấy câu này ý nói là vua thì non yểu, tôi thì cường thịnh, họ Lê mất thì họ Lý lên (nhà Lê sẽ mất (cây rụng) và nhà Lý (thập (十) + bát (八) + tử (子) thành chữ lý (李) sẽ nổi lên), Thiên tử ở phương Đông mọc ra thì thứ nhân ở phương Tây lặn mất, trải qua sáu bảy năm thì thiên hạ thái bình
Ngọa Triều Hoàng Đế từng ăn quả khế thấy hột mận (mà chữ mận trong tiếng hán được viết là Lý), mới tin lời sấm ngữ, ngầm tìm người họ Lý giết đi, trong khi Công Uẩn hầu ở bên cạnh mà vẫn không biết.
Đến khi Ngọa Triều băng, ở trên thì được triều thần và sư tăng tôn phò, dưới được nhân dân ủng hộ, Lý Công Uẩn thay Ngọa Triều bạo ngược mà làm vua để giữ yên thiên hạ, chăm lo sức dân, mở thời thái bình cho đất nước. Được sử sách ca ngợi “vua ứng mệnh trời, thuận lòng người, nhân thì mở vận, là người khoan từ nhân thứ, tính mật ôn nhã, có lượng đế vương”
-NTBH-

Bình luận về bài viết này